Kể từ khi thành lập, với mục tiêu trở thành “Công dân tốt trong cộng đồng sở tại”, Toyota Việt Nam (TMV) đã và đang thực hiện nhiều hoạt động đóng góp xã hội ý nghĩa và bền vững, tập trung vào các lĩnh vực: An toàn giao thông, Giáo dục Đào tạo & Phát triển nguồn nhân lực, Bảo vệ môi trường và Văn hóa Xã hội. Trong đó, Văn hóa – Xã hội là một trong những lĩnh vực được TMV chú trọng với mong muốn làm giàu thêm đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Chương trình Hòa nhạc Toyota là một trong những hoạt động mang ý nghĩa xã hội sâu sắc đó, nhằm góp phần phổ biến âm nhạc cổ điển tới đông đảo người yêu nhạc Việt Nam. Chương trình thực sự đã trở thành một hoạt động âm nhạc ý nghĩa và được mong chờ hàng năm.
Hòa nhạc Toyota bắt đầu được tổ chức từ năm 1998 với những dấu ấn sâu sắc trong lòng khán thính giả và đến nay đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của người yêu nhạc cổ điển Việt Nam. Mùa thu 2017 đánh dấu năm thứ 20 diễn ra chương trình, bên cạnh 3 đêm diễn tại hai địa điểm thường lệ là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh vào ngày 25 & 26/8, chương trình năm nay có thêm một đêm diễn tại tĩnh Vĩnh Phúc - nơi tọa lạc Trụ sở chính của Toyota Việt Nam, vào ngày 19/8, như một minh chứng cho cam kết gắn bó và góp phần xây dựng cộng đồng sở tại của TMV.
Với chủ đề chung xoay quanh “Những bản tình ca lãng mạn”, các đêm diễn năm nay tiếp tục được tổ chức dưới sự dẫn dắt của vị nhạc trưởng Nhật Bản tài ba Honna Tetsuji – người đã ủng hộ và đồng hành cùng Toyota Concert kể từ những ngày đầu, cùng sự góp mặt lần đầu tiên của nghệ sỹ piano trẻ tài năng Nguyễn Việt Trung và 2 nghệ sỹ nổi tiếng của dòng nhạc truyền thống Đăng Dương và Đào Tố Loan.
Hiện sinh sống và học tập tại Ba Lan, đây là lần đầu tiên Nguyễn Việt Trung tham gia biểu diễn cùng Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam. Tuy sống ở nước ngoài và biểu diễn tại nhiều nơi trên thế giới, khi Nguyễn Việt Trung được trở về Hà Nội – nơi anh sinh ra và đặc biệt được mời tham gia biểu diễn lần đầu trong Hòa nhạc Toyota, anh chia sẻ cảm giác vinh dự, xúc động của mình và đồng thời cũng là dịp để Việt Trung học tập các nghệ sĩ lớn tại Việt Nam. Anh cũng bày tỏ niềm tin mạnh mẽ về sự phát triển của âm nhạc cổ điển Việt Nam, cũng như hy vọng sẽ được tiếp tục hợp tác với các nghệ sĩ của dàn nhạc và chương trình trong tương lai.
Trong đêm nhạc tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, chương trình đem đến cho khán thính giả yêu nhạc cổ điển hai nhạc phẩm nổi tiếng, đó là: Bản Piano Concerto số 2 cung Fa thứ op. 11 với giai điệu độc đáo nhưng không kém phần sâu lắng đúng chất F. Chopin và Bản giao hưởng số 3 cung Fa trưởng op. 90 mang kết cấu hoàn mỹ của J. Brahms. Với chủ đề chính “Giai điệu dành tặng những mối tình dang dở”, xuyên suốt chương trình là hai câu chuyện tình lãng mạn đậm chất cổ điển nhiều màu sắc, vốn là những lời tâm sự sâu kín, được thể hiện bằng chất liệu âm nhạc đầy tinh tế của các tác giả dành tặng những bóng hồng của đời họ.
Trong khi đó, đêm nhạc tại Vĩnh Phúc mang tới cho khán thính giả nhiều cung bậc cảm xúc đa dạng, là sự giao thoa đầy chất sáng tạo giữa những trích đoạn giao hưởng nổi tiếng thế giới của J. Strauss, J. Brahms, A. Dvořák đan xen với những khúc ca vàng Việt Nam sống mãi cùng năm tháng được thể hiện bởi hai giọng ca đầy nội lực Đăng Dương và Đào Tố Loan.
Chương trình đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng khán giả. Chị Phạm Thanh Hằng, một khán giả đến từ quận Hai Bà Trưng chia sẻ cảm nhận dường như vẫn còn nguyên vẹn của mình: “Khi ngồi nghe ở nhà, bạn sẽ không thể có được cảm nhận rõ nét về sự giao thoa giữa các nghệ sĩ và khán giả như được tham dự chương trình trực tiếp như thế này.”
Cùng chia sẻ cảm nhận tương tự với chị Thanh Hằng, anh Mathieu Tebecherani – một khán giả nước ngoài cũng tỏ rõ sự háo hức. Có thể thấy được sự hứng khởi của Mathieu khi anh nói về trải nghiệm đặc biệt này khi chia sẻ: “Có được nghe trực tiếp thế này, tôi mới cảm nhận được trọn vẹn cái hay của âm nhạc cổ điển. Đây thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời!”
Có mặt trong đêm hòa nhạc tại Hà Nội vừa qua vào cuối tháng 8 với tư cách khách mời, nhạc sỹ Phú Quang bày tỏ sự ủng hộ cách làm mới của Hòa nhạc Toyota 2017. Ông cho rằng: "Muốn kéo được công chúng đến với mình thì phải có những cái gì hấp dẫn chứ nhạc cổ điển vốn dĩ là nhạc khó hấp dẫn rồi. Thế cho nên cần phải có những cái đầu nhạy cảm hơn thì tôi cho là cái đầu của Toyota lần này nhạy cảm hơn những lần trước đây”.
Không chỉ quan tâm đưa âm nhạc hàn lâm tới gần hơn với công chúng, Chương trình Hòa nhạc Toyota còn góp phần phát triển nguồn nhân lực cũng như làm giàu sự phát triển của nền âm nhạc và văn hóa Việt Nam. Chúng tôi xin trích dẫn thông điệp của Ông Toru Kinoshita, Tổng Giám đốc Toyota Việt Nam: “Với phương châm Cùng hành động vì một thế giới tốt đẹp hơn, toàn bộ số tiền bán vé của Chương trình sẽ được trao tặng cho Chương trình “Học bổng Toyota hỗ trợ Tài năng Trẻ Âm nhạc Việt Nam’”. Đây là chương trình học bổng dành cho những học sinh & sinh viên âm nhạc xuất sắc của 5 trường âm nhạc trên cả nước. Tính đến nay, chương trình đã trao hơn 730 suất học bổng cho các tài năng trẻ của âm nhạc Việt Nam.
Vị nhạc trưởng tài ba Honna Tetsuji, người đã đồng hành và gắn bó qua từng năm với Toyota Concert, chia sẻ đầy chân thành: “Với những khoản học bổng này, nhiều sinh viên âm nhạc đã có cơ hội đi du học và trở về. Thấy họ ngày càng trưởng thành và dần trở nên những nghệ sĩ tuyệt vời, tôi thấy rằng đó là một phần kết quả rõ rệt nhất của chương trình. Tôi hy vọng chương trình sẽ tiếp tục được duy trì.”
Chương trình tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh
Chỉ huy dàn nhạc: Honna Tetsuji
Độc tấu piano: Nguyễn Việt Trung
F.Chopin - Piano Concerto no.2 F minor op.11
• I/ Maestoso
• II/ Larghetto
• III/ Allegro vivace
Giải lao
J.Brahms - Symphony no.3 F major op.90
• I/ Allegro con brio
• II/ Adante
• III/ Poco Allegretto
• IV/ Allegro
“Giai điệu dành tặng những mối tình dang dở”
Chúng ta vẫn dành không ít lời tán dương hoa mỹ cho những tác phẩm kinh điển như Bản Giao hưởng số 3 của Brahms và Concerto số 2 của Chopin. Tuy vậy, ít ai biết đến hai bóng hồng trong những câu chuyện đằng sau chúng. Nếu như Concerto số 2 của Chopin lấy cảm hứng từ chính mối tình đầu mãnh liệt với nàng Konstancja Gladkowska thì Bản Giao hưởng số 3 của Brahms lại thay cho món quà mừng tặng sinh nhật người phụ nữ mà tác giả đã giành một phần tuổi trẻ để tương tư- bà Clara Schumann. Đáng tiếc thay, cả 2 mối tình trên đều không có được kết thúc trọn vẹn nhưng những giá trị cảm xúc chứa đựng trong các tác phẩm gắn liền với chúng được lưu giữ và truyền từ thế hệ này tới thế hệ khác, khiến rất nhiều trái tim yêu âm nhạc không ngừng thổn thức dù đã nghe đi nghe lại hàng trăm lần.
Chương trình tại Vĩnh Phúc
Chỉ huy dàn nhạc: Honna Tetsuji
Ca sỹ: Đăng Dương, Đào Tố Loan
• J.Strauss - Overture “Die Fledermaus”
• Văn Cao - Trường ca Sông Lô/The Lo river epic – Đăng Dương
• Đỗ Nhuận - Du kích Sông Thao/The Thao river guerilla – Tố Loan
• J.Brahms - Hungarian Dance no. 1 & 5
Góc khán giả tập làm chỉ huy/MC: Đào Mai Anh
• Hoàng Việt - Tình ca/Love song – Đăng Dương
• Nguyễn Đình Thi - Người Hà Nội/Hanoi people – Tố Loan
• Bùi Đức Hạnh - Tình ca Tây bắc/Tay Bac love song – Đăng Dương& Tố Loan
• A.Dvorak - Symphony no.9 - 4th movement
Chương trình là sự tổng hòa giữa những trích đoạn giao hưởng nổi tiếng thế giới với những khúc ca vàng Việt Nam sống mãi với thời gian. Những tiết mục được tuyển chọn kỹ lưỡng, khả năng biểu diễn điêu luyện cùng sự góp mặt hai giọng ca tràn đầy nội lực Đăng Dương và Đào Tố Loan đã làm vừa lòng ngay cả những người nghe khó tính nhất.